Đền Lạch Bạng

Mọi dòng sông đều trở về với mẹ biển cả, và sông Bạng (huyện Tĩnh Gia, tỉnh Thanh Hoá nay là thị xã Nghi Sơn) cũng không nằm ngoài quy luật của đất trời. Ở nơi cuối dòng, trước khi hòa mình với sóng vỗ biển khơi mênh mông, có phải vì tâm tư để lại cho đời chút “niềm riêng” mà một vùng danh thắng Cửa Bạng đã được hình thành qua bàn tay tạo hóa. Là thế núi, dáng sông chẳng thể lẫn lộn, lẩn khuất trong không gian ấy còn có những di tích tín ngưỡng tâm linh để con người gửi gắm niềm tin tự thuở cha ông đi tìm sự sống trước biển cả. Tất cả, tạo nên một không gian văn hóa danh thắng Cửa Bạng say lòng du khách đến thế.
Lạch Bạng uốn quanh, núi Du Xuyên dựng đứng
Tôi vẫn nhớ, sự kiếm tìm của một kẻ vốn dễ “phải lòng” ẩm thực đã thôi thúc mình lần đầu đặt chân đến với vùng đất Hải Hoà. Chỉ đơn giản, cái vị mặn mòi nơi đầu lưỡi nhưng nuốt vào trong lại ngọt đậm chất đạm của nước mắm Ba Làng nơi đây, cộng với những “lời đồn” về một sản phẩm vẫn được ví là tinh túy của đất trời, biển cả và bàn tay con người khiến cho mong muốn được một lần đặt chân đến vùng đất này, được tận mắt thấy quy trình làm mắm, nhìn những giọt mắm sóng vàng như mật ong với cái mùi không thể đặc trưng hơn chỉ bấy nhiêu thôi cũng là thỏa lòng.

Như bao làng nghề biển trên dải đất hình chữ S đầy yêu thương, khi về với xã Hải Thanh – làng nghề hải sản nổi danh không chỉ ở riêng xứ Thanh, ta phần nào cảm nhận đầy đủ mùi vị biển phủ lên cả xã biển. Mùi tanh nồng của cá tôm cập bến, mặn từ hơi biển phả vào và không khí náo nhiệt của mỗi gia đình làm nghề chế biến hải sản. Nhà có cá, có mực, có tôm và nước mắm dường như là đặc sản mà nhà ít cũng phải trữ vài chum, vại dùng dần hay để biếu tặng người thân trước khi đi xa. Có phải vì thế mà trong hành trình ra Bắc, vào Nam thậm chí là xuất ngoại, nước mắm Ba Làng đã theo chân người đi viễn xứ.

Vậy nhưng, sau những thỏa mãn ẩm thực, kẻ viễn khách chẳng chịu bằng lòng. Để hành trình khám phá Lạch Bạng cùng người bạn dẫn đường bắt đầu với vô vàn những điều thú vị. Theo Địa chí Thanh Hóa, sông Bạng với chiều dài gần 35 km bắt đầu từ xã Phú Lâm (Tĩnh Gia), đi qua những vùng đồi núi thấp, uốn lượn theo chân núi Du Xuyên trước khi đổ ra biển lớn. Vì là sông Bạng, ghép tên với khu vực cửa biển (lạch) mà nơi này vẫn được dân gian gọi là Lạch Bạng. Và nói về cửa Lạch Bạng, Quốc sử quán triều Nguyễn cũng chép khá chi tiết: “Cửa Bạng rộng 42 trượng, thủy triều lên sâu 9 thước, thủy triều xuống còn 4 thước, bờ bên tả có núi dựng đứng như bức tường, bờ bên hữu là bãi cát”. Hẳn là kiến tạo của mẹ tự nhiên cùng đắc địa về vị thế khiến cho nơi đây tự xưa đã là chốn trở về của những thuyền đầy cá tôm. Từ nhu cầu sử dụng hàng ngày không hết, người ta đã nghĩ ra cách ủ chượp với muối biển mặn mòi tạo ra nước mắm, mắm tôm đậm vị mang tên Ba Làng (một làng bên bờ Lạch Bạng).

Những dãy núi ăn lan ra sát biển vốn không phải điều lạ lùng. Tuy vậy, núi Du Xuyên bên bờ Lạch Bạng dựng đứng như bức tường thành thiên tạo vẫn khiến người ghé thăm lần đầu không khỏi giật mình. Thế núi không quá cao nhưng thẳng, từ cửa Bạng nhìn vào tạo sự vững chãi, chắc chắn. Cha ông xưa hẳn cũng một phần vì điều đó mà chọn nơi này làm chốn quần cư lập nghiệp.

Còn với nhãn quan của đấng quân vương xưa, nơi đây lại được xem như vị trí đắc địa cho những mục tiêu quân sự bởi ưu thế “kín gió, sẵn nguồn nước ngọt, thuận tiện đường sông, đường bộ. Đặc biệt là sự liên hoàn cửa sông, cửa lạch, biển, đảo…” tạo sự hiểm yếu. Trong cuộc chiến chống xâm lược nhà Thanh, cùng với phòng tuyến Tam Điệp (Bỉm Sơn) thì vùng Cửa Bạng – Biện Sơn cũng được xem như cứ điểm thủy quân vững chắc: Thủy quân phân chia lực lượng, đóng trên các đảo Biện Sơn và Hà Nẫm nhằm kiểm soát vùng biển phía Nam Thanh Hóa, đồng thời phối hợp bảo vệ, khống chế con đường thiên lí Bắc – Nam dọc bờ biển. Từ căn cứ Biện Sơn, đạo thứ nhất do Đô đốc Tuyết chỉ huy vượt biển nhanh chóng tiến ra Hải Dương, án ngữ phía Đông thành Thăng Long. Đến thời nhà Nguyễn, Cửa Bạng – Biện Sơn lại được vương triều tiến hành xây dựng ở đây một pháo đài quân sự quy mô, kiên cố. Để đến hôm nay, trở về với Lạch Bạng, ta vẫn tìm thấy ở nơi này những dấu vết thuở trước. Để biết rằng, cha ông xưa, trong hành trình bảo vệ một dải non sông gấm vóc tiên tổ đã phải nhọc lòng đến như thế!
Đến không gian văn hóa tâm linh vùng biển đậm nét

Người xưa thường nói, ở những nơi linh khí trời đất hội tụ, thường vẫn được lựa chọn dựng chùa, lập đền để con người gửi gắm những ước vọng. Có phải bởi vậy mà ở Lạch Bạng hôm nay, là cả một quần thể cụm di tích kiến trúc nghệ thuật và danh thắng cấp quốc gia đã được xếp hạng. Là đền Lạch Bạng; đền Thanh Xuyên; đền Quang Trung và chùa Đót Tiên hiện hữu trong không gian chưa đầy 1 km2.

Không quá độc đáo bởi kiến trúc, cũng không phải đền thờ có lịch sử lâu đời bậc nhất ở Lạch Bạng, nhưng đền thờ Quang Trung – vị anh hùng áo vải của dân tộc cách sông nước cửa Bạng chỉ khoảng hơn 50m đi bộ vẫn được người dân nơi đây tự hào kể lại cho du khách mỗi dịp ghé thăm. Theo đó, gần 250 năm trước, trong chiến thắng của nghĩa quân Tây Sơn quét sạch 29 vạn quân Thanh không thể không nhắc đến những đóng góp của căn cứ Lạch Bạng – Biện Sơn. Vì vậy, thắng trận khải hoàn trở về, bên cạnh việc ban thưởng rất hậu cho người dân trong vùng, Hoàng đế Quang Trung đã quyết định xóa bỏ lệ tiến cống yến sào (có từ thời Lê – Trịnh). Đây được xem là một trong những sản vật ngon nức tiếng song để có thể lấy được thì rất nhiều sinh mệnh dân thường vô tội đã phải bỏ mạng. Sau khi Hoàng đế mất, đền thờ Quang Trung đã được lập dựng ngay dưới chân núi để nhân dân hương khói phụng thờ. Ngày nay, bên trong đền thờ vẫn còn lưu câu đối: “Anh hùng thanh sất Bân Sơn cổ/ Miếu mạo quang lưu Bạng hải kim”, đại ý: Tiếng thét của người anh hùng vang dậy núi Bân Sơn/ Ánh sáng từ tòa miếu còn tỏa rạng biển Bạng ngày nay.

Có một điểm đến mà nếu du khách đã về với Lạch Bạng sẽ khó có thể không ghé thăm, ấy là đền Lạch Bạng án ngữ ngay ở cửa lạch. Từ đền nhìn ra, mênh mông một vùng sông nước với hàng trăm tàu thuyền neo đậu. Nước bao la in nền trời xanh biếc khiến con người ta cảm thấy bình yên đến lạ. Xoay lưng ra sông, quay vào trong đền Lạch Bạng, không gian tâm linh tín ngưỡng thờ mẫu với tiếng đàn ca, nhịp phách quện lẫn mùi trầm hương thoảng nhẹ dễ khiến ai đó quên hết muộn phiền.

Share on facebook
Facebook
Share on twitter
Twitter
Share on linkedin
LinkedIn